Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên có nghĩa vụ cụ thể được quy định trong hợp đồng giữa các bên và theo pháp luật. Cụ thể, trong hợp đồng mua bán hàng hóa bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển giao chứng từ liên quan đến hàng hóa, nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu hàng hóa.
Nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm theo hợp đồng
Điều 35 Luật thương mại Việt Nam 2005 quy định về nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm của bên bán tại như sau: bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng theo địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định theo các trường hợp sau:
– Hàng hóa gắn liền với đất đai thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng tại nơi có hàng hóa;
– Bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên trong trường hợp có thỏa thuận về vận chuyển hàng hóa;
– Bên bán có nghĩa vụ giao hàng tại địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất nếu các bên không có thỏa thuận về vận chuyển hàng hóa, và vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được các địa điểm nêu trên;
– Các trường hợp còn lại, bên bán có nghĩa vụ giao hàng tại địa điểm kinh doanh của mình, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của mình được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.
Nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn theo hợp đồng
Điều 37 Luật thương mại Việt Nam 2005 cũng có quy định về thời hạn giao hàng như sau: bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về thời điểm mà có thỏa thuận về thời hạn thì bên bán có quyền chọn thời điểm giao hàng trong thời hạn đó đi kèm với nghĩa vụ thông báo trước cho bên mua.
Nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng, chất lượng theo hợp đồng
Nghĩa vụ giao hàng là nghĩa vụ cơ bản của bên bán trong hợp đồng mua bán, theo đó nghĩa vụ giao hàng là việc giao đúng số lượng và chất lượng hàng hóa, cụ thể: bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng và chất lượng hàng hóa mà theo quy định của hợp đồng giữa các bên. Pháp luật Việt Nam cũng có quy định về việc xem xét thế nào là hàng hóa không phù hợp với hợp đồng tại Điều 39 Luật thương mại 2005 như sau: Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về chất lượng hàng hóa, hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau được coi là không phù hợp theo hợp đồng:
– Hàng hóa được coi là không phù hợp theo hợp đồng khi hàng hóa không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;
– Hàng hóa được coi là không phù hợp theo hợp đồng khi hàng hóa không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào của bên mua, những mục đích này bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
– Hàng hóa được coi là không phù hợp theo hợp đồng khi hàng hóa không bảo đảm chất lượng giống với chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua;
– Hàng hóa được coi là không phù hợp theo hợp đồng khi bên bán không bảo quản, đóng gói hàng hóa theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa nếu không có cách thức bảo quản thông thường.
Các nghĩa vụ khác
– Nghĩa vụ chuyển giao các giấy tờ liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu hàng hóa.
Bên cạnh nghĩa vụ giao hàng, bên bán còn có nghĩa vụ giao chứng từ, các giấy tờ liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận giữa các bên. Khi các bên không thỏa thuận về việc giao chứng/giấy tờ từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua thì bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm phù hợp để bên mua có thể nhận hàng.
– Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu cho bên mua: Điều 45 Luật thương mại 2015 quy định: Bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu cho người mua đối với hàng hóa đã bán khỏi sự tranh chấp của bên thứ ba tranh chấp, và bảo đảm hàng không bị ràng buộc bởi bất kỳ quyền hạn nào của người thứ ba trên cơ sở sở hữu công nghiệp hoặc sở hữu trí tuệ khác; hàng hóa đó phải hợp pháp; việc chuyển giao hàng hoá là hợp pháp.
Như vậy trong hợp đồng mua bán hàng hóa, bên bán có các nghĩa vụ cơ bản là giao hàng, giao giấy tờ/chứng từ liên quan đến hàng hóa, đảm bảo quyền sở hữu cho bên mua và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.