Công ước Viên 1980 hay còn gọi là CISG do Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) soạn thảo và thông qua tại Viên năm 1980. Đây được xem là công ước thành công nhất trong lĩnh vực thương mại quốc tế, thể hiện rõ nhất ở số thành viên tham gia công ước này (hiện tại là 88), bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đức, Pháp. Việt Nam đã là thành viên của công ước này và công ước đã có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 01.01.2017. Từ đó, các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được giao kết giữa các chủ thể kinh doanh Việt Nam và các nước thành viên công ước sẽ được điều chỉnh bởi CISG.
Tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
CISG là công ước điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nên việc xem xét thế nào là một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cần thiết. CISG không có quy định cụ thể về định nghĩa một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên theo Điều 1 CISG thì có thể thấy quan điểm của Công ước này về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là các bên trong hợp đồng phải có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia khác nhau. Như vậy, công ước chỉ dựa vào việc các bên đến từ các quốc gia khác nhau mà không dùng các tiêu chí như nơi giao kết hợp đồng hay nơi thực hiện hợp đồng để xác định tính quốc tế của hợp đồng. Ví dụ, công ty A và B có trụ sở kinh doanh ở Mỹ thỏa thuận chuyển hàng từ kho của A ở Lào sang kho của B ở Việt Nam thì không được coi là có tính chất quốc tế theo CISG. Ngược lại nếu trong ví dụ trên B có trụ sở kinh doanh tại Mỹ thì sẽ là quan hệ có tính chất quốc tế theo CISG.
Xác định yếu tố quốc tế rất quan trọng vì đây là căn cứ để xác định phạm vi áp dụng CISG. CISG chỉ áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế theo quy định của công ước này.
Phạm vi áp dụng của CISG
Bên cạnh việc áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì CISG nhìn chung chỉ áp dụng cho các nước thành viên của công ước. Cụ thể Điều 1.1 của công ước này quy định như sau:
“Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các Quốc gia khác nhau. a.Khi các Quốc gia này là các Quốc gia thành viên của Công ước; hoặc`b. Khi các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một Quốc gia thành viên Công ước.”
Như vậy, Có hai trường hợp CISG được áp dụng: Khi các bên có trụ sở thương mại ở các quốc gia là thành viên Công ước (Điều 1.1.a); Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật áp dụng là luật của nước thành viên CISG (Điều 1.1.b).
Trường hợp 1: hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Pháp,… thuộc phạm vi áp dụng của CISG vì các nước này cùng là thành viên của công ước nên công ước sẽ được áp dụng cho các hợp đồng này.
Trường hợp 2: bao gồm hai trường hợp cụ thể: trường hợp khi áp dụng các quy phạm xung đột trong Tư pháp quốc tế của một nước dẫn chiếu đến luật của một quốc gia thành viên công ước, khi đó CISG sẽ được áp dụng cho hợp đồng này. Trường hợp các bên lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng là luật của một nước thành viên CISG.
Loại trừ áp dụng CISG
Loại trừ việc áp dụng của CISG cho hợp đồng nghĩa là theo nguyên tắc thì các quy định của CISG sẽ được áp dụng nhưng do các bên đã loại trừ khả năng này nên CISG sẽ không được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đó nữa. Có hai cách để loại trừ việc áp dụng CISG bằng hai cách. Thứ nhất, các bên có thể chọn luật của một nước không phải thành viên CISG (như luật Anh, quốc gia này không phải thành viên CISG, khi hai bên thỏa thuận chọn luật của Anh thì khi đó luật quốc gia Anh là luật áp dụng dù các bên có trụ sở thương mại ở các nước thành viên CISG). Thứ hai, các bên có nêu cụ thể trong điều khoản chọn luật trong hợp đồng không những rằng CISG không áp dụng để điều chỉnh các vấn đề của hợp đồng giữa họ. Nghĩa là trong hợp đồng phải có điều khoản thẳng thừng loại bỏ sự áp dụng của CISG, nếu không CISG vẫn được áp dụng.
Như vậy, Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay còn gọi là CISG có phạm vi điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhất định được quy định cụ thể trong công ước như đã phân tích ở trên.